Thực trạng chính sách tiền lương công chức hành chính và định hướng cải cách cho giai đoạn tới

Thực trạng chính sách tiền lương công chức hành chính và định hướng cải cách cho giai đoạn tới

                                                Nguyễn Thị Thuận – Vũ Hồng Phong

                                                           

Bài viết này hướng vào phân tích thực trạng chính sách tiền lương công chức hành chính hiện hành, thực trạng tiền lương – thu nhập của công chức hành chính và những tác động của chính sách tiền lương công chức hành chính hiện hành đến thái độ, tinh thần làm việc và hiệu quả làm việc của công chức hành chính. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các biện pháp cải cách tiền lương công chức trong giai đoạn tới.

Thực trạng chính sách tiền lương công chức hành chính hiện hành

Chính sách tiền lương có vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách kinh tế xã hội của đất nước, là động lực trong việc phát triển kinh tế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, sử dụng có hiệu quả nguồn lao động và khả năng làm việc của từng người. Tiền lương tối thiểu, thang bảng lương, hình thức trả lương, các chế độ phụ cấp và cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập của Công chức hành chính là những nội dung quan trọng của chính sách tiền lương, là cơ sở để luật pháp hoá, bảo vệ quyền lợi của Cán bộ, Công chức hành chính, đồng thời cũng phản ánh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và mức sống chung đạt được của mỗi quốc gia. Đến nay, chính sách tiền lương ở Việt Nam nói chung và chính sách tiền lương cho  công chức hành chính nói riêng đã trải qua 3 lần cải cách, phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, không ngừng hoàn thiện, từng bước đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, chính sách tiền lương hiện nay vẫn còn những hạn chế cần được tổng kết, đánh giá trên cơ sở đó có những thay đổi kể cả về quan điểm và nhận thức, cũng như tổ chức thực hiện để xây dựng chính sách tiền lương phù hợp với điều kiện thực tế và tiến trình hội nhập quốc tế. Chính sách tiền lương công chức hiện nay đã có nhiều điểm tích cực so với chính sách tiền lương trước đó (chính sách tiền lương năm 1985 và 1993), cụ thể:

Về tiền lương tối thiểu: Mức lương tối thiểu đã được tiền tệ hoá, xoá bỏ bao cấp trong tiền lương và thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo tốc độ tăng của giá cả sinh hoạt và tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhằm đảm bảo tiền lương thực tế cho cán bộ công chức hành chính. (từ năm 2004 đến nay, nước ta đã 7 lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung: năm 2005 điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ 290.000 đồng/tháng (áp dụng từ năm 2003) lên 350.000 đồng/tháng, tháng 10/2006: tăng lên 450.000 đồng/tháng, tháng 1/2008: 540.000 đồng/tháng, tháng 5/2009: 650.000 đồng/tháng, tháng 5/2010: 730 nghìn đồng, tháng 5/2011: 830.000 đồng/tháng, tháng 5/2012: 1.050.000 đồng/tháng).

Về quan hệ tiền lương tối thiểu – trung bình – tối đa: tăng khoảng giãn cách về tiền lương từ 1 – 1,8 – 10 (năm 1993) lên 1 – 2,34 – 13 góp phần giảm tính bình quân trong trả lương, kích thích lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao.

Về hệ thống thang, bảng lương

- Bảng lương đối với cán bộ, công chức nhà nước năm 2004 so với bảng lương năm 1993 được sửa đổi và rút ngắn các bậc và thiết kế mới, giảm bớt tính cồng kềnh trong hệ thống bảng lương. Cụ thể:

+ Đối với chuyên viên cao cấp (A3) từ 7 bậc rút xuống còn 6 bậc.

+ Đối với chuyên viên chính (A2) từ 9 bậc rút xuống còn 8 bậc.

+ Đối với bậc chuyên viên (A1) từ 10 bậc rút xuống còn 9 bậc

+ Đối với bậc chuyên viên (A0): 10 bậc (yêu cầu về trình độ cao đẳng, mới )

+ Đối với chuyên viên loại B, C từ 16 bậc rút xuống còn 12 bậc.

- Đối với cán bộ công chức được bổ nhiệm hưởng lương chuyên môn nghiệp vụ thì phần tiền lương chức vụ không nằm trong cơ cấu bảng lương mà được quy định bằng phụ cấp chức vụ lãnh đạo tương ứng. Khi thôi giữ chức vụ thì thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, thuận lợi trong sử dụng cán bộ công chức (thuyên chuyển, đề bạt).

- Các ngạch công chức được quy định nội dung công việc, trình độ công chức theo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ. Việc áp dụng chức danh tiêu chuẩn công chức, viên chức nhằm làm cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch và khuyến khích cán bộ, công chức phấn đấu nâng cao trình độ nghề nghiệp, chuyên môn để có đủ điều kiện phấn đấu lên ngạch cao hơn.

Về các chế độ phụ cấp lương và chế độ nâng ngạch, bậc lương

- Nhà nước ban hành các chế độ phụ cấp lương: phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ, phụ cấp kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp độc hại nguy hiểm, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động, phụ cấp đặc biệt và các chế độ phụ cấp ưu đãi nghề như phụ cấp trách nhiệm nghề đối với ngành toàn án, kiểm sát, phụ cấp thâm niên nghề đối với ngành giáo dục,… đã góp phần phù đắp hao phí sức lao động mà tiền lương chưa tính đến và thực hiện ưu đãi, khuyến khích, thu hút lao động đối với một số ngành nghề.

Về cơ chế quản lý tiền lương: Cơ chế quản lý tiền lương đã có nhiều thay đổi phù hợp với cơ chế thị trường. Đối với các cơ quan hành chính, nguồn tiền lương do ngân sách cấp thì Nhà nước trực tiếp xác định và duyệt biên chế, quản lý chặt chẽ việc trả lương cho công chức. Tách hẳn biên chế viên chức khu vực sự nghiệp có thu sang chế độ hạch toán tự trang trải hoặc cơ chế Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động và trả lương, giảm bớt gánh nặng từ ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh những mặt tích cực thì chính sách tiền lương công chức hành chính hiện hành còn tồn tại nhiều hạn chế cần đổi mới.

Về tiền lương tối thiểu: tiền lương tối thiểu thấp và chậm điều chỉnh đã không đáp ứng được yêu cầu tăng nhanh mức sống của công chức trong điều kiện tăng trưởng GDP khá cao và hội nhập mạnh mẽ của của nền kinh tế. Tiền lương tối thiểu chỉ đáp ứng khoảng 55 %  mức sống tối thiểu của cán bộ, công chức. Đặc biệt, trong các năm 2007,2008 dưới tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và tình hình lạm phát tăng trở lại cao ở Việt Nam (chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 tăng 12,63%, năm 2008: 22,97%), tiền lương thực tế của cán bộ, công chức giảm 35%.

Về quan hệ tiền lương tối thiểu – trung bình – tối đa: Mặc dù quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình – tối đa đã được mở rộng lên 1 – 2,34 – 13 nhưng trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế như hiện nay khoảng giãn cách như hiện nay còn thấp, mang tính bình quân, chưa khuyến khích được lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi làm việc cho khu vực hành chính Nhà nước, dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám ra khu vực sản xuất kinh doanh và ra nước ngoài.

Về thang, bảng lương

- Hệ số lương ngạch bậc trong các bảng lương công chức hành chính còn nặng về bằng cấp, thâm niên, chưa theo yêu cầu công việc hoặc chức vụ đảm nhận.

- Trong hệ thống bảng lương công chức, hệ số giãn cách giữa các bậc lương thấp, do đó làm giảm hiệu quả của hệ số lương, làm tăng tính bình quân trong trả lương và giảm tính kích thích của tiền lương đối với công chức.

- Các mức lương của hệ thống bảng lương công chức hành chính được tính toán trên cơ sở tiền lương tối thiểu, nên các mức lương trong toàn bộ hệ thống bảng lương của khu vực hành chính thấp hơn so với mức lương trên thị trường lao động. Do đó, các mức lương trong hệ thống bảng lương công chức hành chính Nhà nước chưa phản ánh được giá trị cống hiến của người tài, lao động chuyên môn, kỹ thuật cao, không có tác dụng kích thích công chức gắn bó với khu vực nhà nước, không thu hút được nhân tài.

Về phụ cấp lương: Nhiều phụ cấp lương Nhà nước ban hành còn trùng lặp về mục đích, mức phụ cấp lương thấp nên không đủ bù đắp hao phí sức lao động tăng thêm như phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp trách nhiệm,…

Về cơ chế quản lý tiền lương: Chính sách tiền lương khu vực hành chính chưa có hướng tạo mở, phân cấp cho các địa phương chủ động trong mở rộng quỹ tiền lương của công chức. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện cho các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, GDP bình quân/người cao, có điều kiện hình thành cơ chế bổ sung quỹ tiền lương để nâng cao thu nhập cho đội ngũ công chức.

Thực trạng tiền lương, thu nhập của công chức hành chính

Với những tồn tại trên, chính sách tiền lương công chức hành chính cần được cải cách theo các hướng sau:

- Quỹ tiền lương công chức hành chính phải đảm bảo mức độ hợp lý trong chi thường xuyên và trong tổng chi ngân sách nhà nước.

- Cải cách chính sách tiền lương công chức hành chính sắp tới phải được đặt trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước mà trước hết là cải cách thể chế pháp luật, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến công chức; thực hiện sắp xếp tinh giản bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; tiến hành cải cách nền tài chính công.

- Cải cách tiền lương công chức hành chính phải trên cơ sở nghiên cứu phân loại, xác định rõ khu vực hành chính nhà nước, đối tượng công chức hành chính được trả lương từ ngân sách nhà nước còn viên chức sự nghiệp và Đảng, Đoàn thể phải tách ra, Nhà nước chỉ hỗ trợ còn đơn vị, tổ chức phải tự chi trả.

- Cải cách chính sách tiền lương khu vực hành chính nhà nước sắp tới phải giải quyết đồng bộ các vấn đề:

+ Xác định tiền lương thấp nhất khu vực hành chính nhà nước để áp dụng cho hệ thống tiền lương công chức (không áp dụng tiền lương tối thiểu cho khu vực hành chính nhà nước)

+ Hoàn thiện hệ thống bảng lương, xác định các mức lương cho từng vị trí công việc.

+ Hoàn thiện phụ cấp lương; đưa phụ cấp lương lãnh đạo vào mức lương của các vị trí lãnh đạo.

+ Xác định hợp lý quan hệ tiền lương (tối thiểu - trung bình - tối đa) phù hợp với sự vận động của nền kinh tế.

+ Xác định cơ chế đảm bảo nguồn tiền lương nhằm thực hiện cải cách tiền lương công chức hiệu quả.

+ Tiền lương phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động "chất xám" của đội ngũ công chức, khắc phục tính bình quân trong chi trả tiền lương.

- Tiền lương phải được xác định trên cơ sở giá tiền công đã hình thành trên thị trường lao động; không bình quân, không bao cấp, động viên, khuyến khích người có tài, năng lực thật sự, người làm việc giỏi, có hiệu quả cao. /

                              CÔNG TY TNHH TƯ VẤN VÀ DỊCH VỤ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VIỆT

ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ: CÔNG TY TNHH TƯ VẤN VÀ DỊCH VỤ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VIỆT

Địa chỉ: Số 53, Phạm Tuấn Tài, P. Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Website: www.daotaonhanlucviet.com.vn                Hotline: 0941.886.228                         Email: tuvannhanlucviet@gmail.com

Bài viết liên quan

HAY - Phương pháp đo lường giá trị công việc làm cơ sở xây dựng bảng lương theo vị trí công việc

HAY - Phương pháp đo lường giá trị công việc làm cơ sở xây dựng bảng lương theo vị trí công việc

Phương pháp HAY là gì? HAY Method được phát triển bởi tập đoàn Hay- giờ là Korn...
ỨNG DỤNG GAMIFICATION TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ NHÂN LỰC

ỨNG DỤNG GAMIFICATION TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ NHÂN LỰC

Gamification (Trò chơi hóa) ngày càng được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh...
CÁCH THỨC XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC KẾT HỢP TRÊN NỀN TẢNG BSC & KPI CÓ SẴN TRONG DOANH NGHIỆP

CÁCH THỨC XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC KẾT HỢP TRÊN NỀN TẢNG BSC & KPI CÓ SẴN TRONG DOANH NGHIỆP

Bài viết tổng hợp những góc nhìn của doanh nghiệp muốn xây dựng khung năng lực dựa vào...
XÂY DỰNG BSC, KPIs VÀ ỨNG DỤNG TRONG TRẢ LƯƠNG 3Ps

XÂY DỰNG BSC, KPIs VÀ ỨNG DỤNG TRONG TRẢ LƯƠNG 3Ps

Để trả lương hiệu quả thì trước hết cần đánh giá được hiệu quả làm việc, đo lường được mức độ...