QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ NHÂN TÀI VÀ ỨNG DỤNG TRONG TUYỂN DỤNG NHÂN TÀI Ở VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ NHÂN TÀI VÀ ỨNG DỤNG TRONG TUYỂN DỤNG NHÂN TÀI Ở VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

                                                                                                                                                            TS. Ngô Sỹ Trung- TS. Vũ Hồng Phong

Bài viết tập trung nghiên cứu các yếu tố hình thành nhân cách tài năng Hồ Chí Minh, nghiên cứu quan điểm của Người về nhân tài và việc vận dụng quan điểm đó trong công tác tuyển dụng nhân tài ở Việt Nam. Bằng phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phân tích tài liệu, tác giả bài viết góp phần làm sáng tỏ một số nội dung: Các yếu tố hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội và sự tự rèn luyện là những yếu tố quan trọng hình thành nhân cách tài năng Hồ Chí Minh; quan điểm về nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm có cả đạo đức và tài năng; vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh trong công tác tuyển dụng nhân lực chất lượng cao cho bộ máy nhà nước.

1. Quá trình hình thành nhân cách tài năng Hồ Chí Minh

Chủ nghĩa Mác đã khẳng định: Tài năng có tính bẩm sinh nhất định, nhưng chủ yếu do quá trình lịch sử tạo nên như là sản phẩm của xã hội. Quan điểm trên đã khẳng định yếu tố bẩm sinh là mặc nhiên, song yếu tố quá trình lịch sử lại là quan trọng, quyết định đến việc hình thành tài năng ở mỗi con người. Quá trình này gồm nhiều yếu tố, song, nghiên cứu trên phương diện tâm lý học, có thể nhận thấy, quá trình đó bao gồm ba yếu tố cơ bản: Hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội và sự tự rèn luyện của chủ thể.

Về hoàn cảnh gia đình, Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình trí thức nho giáo, được thừa hưởng hai nền giáo dục: Nền giáo dục gia đình theo truyền thống và nền giáo dục tây học tại nhà trường thuộc địa, góp phần trang bị cho Hồ Chí Minh những kiến thức nho giáo, những tri thức khoa học đầu tiên và hoài bão khám phá thế giới phương Tây. Tuổi thơ của Người đã trải qua nhiều biến cố gia đình: Mẹ mất sớm, gia đình chuyển từ quê vào kinh thành Huế, cha thi đỗ, được bổ nhiệm làm quan rồi lại bị cách chức, v.v. Những biến đổi thăng trầm này đã có tác động theo nhiều chiều và quy mô khác nhau tới nhân cách đang hình thành của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, buộc Người phải tôi luyện ý chí, biết tự lập vươn lên, vượt qua hoàn cảnh, để rồi trở thành một nhân tài kiệt xuất là Hồ Chí Minh sau này.

Về hoàn cảnh xã hội, Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một khoảng thời gian rất đặc biệt: Phong trào Cần Vương thất bại, các sỹ phu nho giáo yêu nước trong đó có thân phụ Nguyễn Sinh Sắc và các sỹ phu như Phan Bội Châu, Vương Thúc Oánh, v.v. đang nỗ lực tìm con đường cứu nước mới nhưng chưa tìm được, thậm chí rơi vào thế bế tắc. Đây là yêu tố xã hội hun đúc ý chí của Hồ Chí Minh để sau này là người lãnh nhận sứ mệnh mở đường, khai lối cho phong trào yêu nước ở Việt Nam và trở thành một vị lãnh tụ, một thiên tài Hồ Chi Minh.

Về quá trình tự rèn luyện, Hồ Chí Minh đã có một quá trình tự đào tạo và thực hành trường kỳ và gian khổ cả ở trong nước và ở nước ngoài. Điểm quan trọng trong quá trình tự đào tạo của Hồ Chí Minh là: Học tập lý luận luôn gắn liền với hoạt động thực tiễn, kiểm nghiệm tri thức, tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng. Quá trình này là quá trình không ngừng nỗ lực phấn đấu, không ngừng sáng tạo, biến tất cả những gì tích lũy được thành năng lực thường trực. Nếu không có quá trình này, thì chắc hẳn không có một thiên tài là Hồ Chi Minh như nhân loại đã từng biết đến.

Như vậy, yếu tố năng lực bẩm sinh là quan trọng, song yếu tố quyết định đến nhân cách tài năng của các cá thể nói chung, của Hồ Chí Minh nói riêng là cả một quá trình lịch sử, trong đó các yếu tố đều có tác động hỗ trợ, làm nền tảng cho nhau. Hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội đương đại đã hun đức ý chí vươn lên của người thanh niên Nguyễn Tất Thành để trở thành một người kiệt xuất. Nền giáo dục gia đình, nền giáo dục xã hội là nền tảng để Hồ Chí Minh khám phá thế giới, đúc rút kinh nghiệm và tìm được chân lý cứu nước.

2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về nhân tài

Trong hệ thống quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh, quan điểm, tư tưởng về phát triển nhân tài, phát triển con người toàn diện là một trong những nội dung quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng, đào tạo, rèn luyện con người cả về đạo đức, sức khỏe và tài năng: “Con người phát triển cao về trí tuệ, có đạo đức trong sáng, có lý tưởng, quan điểm đúng đắn, tích cực, có sức khỏe dồi dào … là nhân tố quyết định đến sự thành bại của một quốc gia, dân tộc [6, tr.6]. Một trong những quan điểm nổi tiếng của Hồ Chí Minh về nhân tài là: “Có tài mà không có đức là người vô dụng; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Với quan điểm trên, Hồ Chí Minh đã khẳng định cả hai yếu tố tài và đức khi bàn về nhân tài, song, yếu tố đạo đức là quan trọng hơn, đức quyết định tài. Nếu không có đức thì sẽ là người vô dụng, sẽ không làm được gì cho cách mạng, cho tổ quốc, cho nhân dân. Có đức mà không có tài thì làm việc sẽ gặp khó khăn, nhưng điều đó không có nghĩa là không làm được, mà nếu kiên trì, cần cù, ham học hỏi thì vẫn có thể đạt được mục đích công việc. Ngay từ thời kỳ trước cách mạng, trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), Hồ Chí Minh đã đề cập đến yếu tố đạo đức, tư cách của người cách mạng - những người tài năng, nhân tài trong quần chúng nhân dân, có khả năng lãnh đạo nhân dân giải phóng dân tộc: Tự mình phải “cần kiệm, …., vị công, vong tư,….”, đối với người thì phải “với từng người thì khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm,…”, làm việc thì phải “xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể” [2, tr.16]. Sau này, trong nhiều giai đoạn khác nhau của cách mạng Việt Nam, trên cương vị lãnh đạo tối cao, Hồ Chí Minh càng đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là sau khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Đến cuối đời, khi viết di chúc, Hồ Chí Minh vẫn dành một phần trang trọng để bàn về vấn đề đạo đức, yêu cầu mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng: “Đảng phải quan tâm chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên thanh niên, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên” [1, tr.36]. Tất cả những điều đó một lần nữa thể hiện quan điểm coi trọng yếu tố đạo đức trong vấn đề nhân tài của Hồ Chí Minh.

Quan điểm đạo đức mà Hồ Chí Minh đưa ra đối với cán bộ cách mạng - nhân tài trong quần chúng nhân dân còn là sự kế thừa những giá trị đạo đức tinh túy nhất của nền chính trị phương Đông và chính trị Việt Nam truyền thống. Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, trong thế giới Á Đông, sức lôi cuốn của nhà lãnh đạo đối với quần chúng trước hết không phải là tài năng xử lý tình huống, thậm chí ở tầm nhìn chiến lược hay ở năng lực tổ chức vượt trội, mà là ở uy tín cá nhân. Cốt lõi của vấn đề uy tín cá nhân của lãnh tụ lại chính ở chỗ lãnh tụ phải là tấm gương sáng về đạo đức và nhân cách, được biểu hiện ra trong hoạt động và cuộc sống thường nhật, phải biết “vị công, vong tư”. Và ở tầm cao hơn, đạo đức cách mạng chính là kết quả tích hợp của toàn bộ tri thức, kinh nghiệm và kỹ năng, hay nói đúng hơn là của toàn bộ nhân cách tài năng, là bản lĩnh của nhà lãnh đạo. Nhất là trong bối cảnh cách mạng Việt Nam lúc đó, người tham gia cách mạng tức là phải chấp nhận những thử thách ác liệt nhất, kể cả việc phải hy sinh gia đình và tính mạng của mình. Trong điều kiện đó, nếu người chiến sỹ cách mạng, đặc biệt là những cán bộ lãnh đạo, nếu “không có đạo đức cách mạng vững vàng thì không thể trung thành với cách mạng, càng không thể đủ bản lĩnh để lãnh đạo cách mạng thành công” [5, tr.61].

Quan điểm về nhân tài của Hồ Chí Minh là quan điểm mang tính toàn diện, có giá trị lý luận và thực tiễn cao không chỉ đối với công tác quản lý nhân sự trong các cơ quan, tổ chức, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo ở nước ta. Với ý nghĩa đó, các cơ sở đào tạo cần chú trọng rèn luyện đạo đức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho người học để sau khi tốt nghiệp, họ trở thành lực lượng lao động xã hội có đạo đức và tài năng; các nhà quản lý cần xây dựng được các tiêu chí cụ thể, bài bản để luôn tuyển dụng được những người có đạo đức và tài năng cho bộ máy nhà nước nhằm phục vụ và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu hợp pháp của người dân.

3. Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh trong công tác tuyển dụng nhân lực chất lượng cao cho bộ máy nhà nước

Nhân lực trong bộ máy nhà nước ở Việt Nam là đội ngũ cán bộ, công chức được hình thành từ tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc bầu cử theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức với những tiêu chuẩn cụ thể về trình độ chuyên môn, sức khỏe, phẩm chất chính trị, v.v. Việc tuyển dụng nhân lực được thực hiện theo quy trình chặt chẽ nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Thế nhưng, trên thực tế, Nhà nước hiện vẫn chưa có chính sách cụ thể về tuyển dụng nhân lực chất lượng cao cho bộ máy nhà nước, mà việc tuyển dụng được thực hiện theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Nghị định số 24/2010/NĐ-CP với những tiêu chuẩn chung, cụ thể như:

- Có một quốc tịch Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên, có lý lịch rõ ràng, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ. Tiêu chuẩn này gắn với yếu tố chính trị, rằng cá nhân được tuyển dụng phải là người chính quốc, là người trưởng thành, có nhân thân rõ ràng để thuận lợi cho công tác quản lý. Tiêu chuẩn này mang nét chung, được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng trong quá trình tuyển dụng công chức cho bộ máy nhà nước. Cho nên, trong phạm vi bài viết, tác giả không phân tích sâu về tiêu chuẩn này.

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Tiêu chuẩn này được xác định một cách rất chung chung. Thực chất, đây là tiêu chuẩn về đạo đức công vụ, nhưng thế nào là có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt lại là vấn đề cần phải được cụ thể hoá. Trên thực tế, hầu hết các cơ quan khi thông báo tuyển dụng công chức cũng chỉ dừng lại ở việc đưa ra tiêu chuẩn chung về đạo đức công vụ nêu trên.

- Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp. Đây là tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, theo đó, các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức căn cứ vào vị trí công việc sẽ đưa ra điều kiện cụ thể về văn bằng, chứng chỉ cho phù hợp. Cách quy định này mang nặng yếu tố hình thức và rất dễ bị lạm dụng. Trên thực tế, trong bối cảnh xã hội hiện đại, để có được văn bằng, chứng chỉ đào tạo không quá khó, nhưng yếu tố nền tảng nhận thức xã hội trước khi cá nhân bước vào quá trình đào tạo cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Đồng thời kỹ năng thực hành nghề nghiệp của cá nhân sau quá trình đào tạo là vấn đề quan trọng bậc nhất. Những vấn đề này lại không được cụ thể hoá thành những tiêu chuẩn trong các văn bản pháp luật về cán bộ, công chức.

Như vậy, có thể nhận thấy, các tiêu chuẩn tuyển dụng công chức ở Việt Nam theo quy định của pháp luật là chưa được cụ thể, chi tiết. Trong khi đó, đối với nhân lực chất lượng cao - đội ngũ nhân lực đặc biệt, tinh hoa, thì việc tuyển dụng đối tượng này cần phải có những tiêu chuẩn đặc biệt. Từ thực tiễn các tiêu chuẩn tuyển dụng công chức và tính phục vụ của bộ máy công quyền, tác giả xây dựng một số tiêu chuẩn cơ bản để tuyển dụng nhân lực chất lượng cao cho bộ máy nhà nước bao gồm: Tiêu chuẩn về đạo đức công vụ; tiêu chuẩn về trình độ học vấn và trình độ chuyên môn; tiêu chuẩn về năng lực công tác, cụ thể dưới đây:

a) Tiêu chuẩn về đạo đức công vụ

Cơ quan nhà nước có bổn phận phục vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu hợp pháp của người dân. Một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước là mức độ hài lòng của người dân. Đặc điểm này có tác động chi phối đến các chính sách của cơ quan nhà nước trong quá trình quản lý xã hội, trong đó có chính sách tuyển dụng nhân lực chất lượng cao, rằng những người được xác định là đối tượng tuyển dụng nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan nhà nước phải tận tụy phục vụ nhân dân, đáp ứng một cách tốt nhất những yêu cầu hợp pháp của người dân, cụ thể:

- Một là, phải luôn ý thức chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng cầm quyền, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan.

- Hai là, phải có tác phong và lề lối làm việc phù hợp với công việc của nền công vụ, luôn thể hiện được tinh thần sẵn sàng làm việc, niềm đam mê và thái độ làm việc nghiêm túc.

- Ba là, phải trung thực, có tinh thần cống hiến, phục vụ cho nhà nước và xã hội bằng chính năng lực của mình.

Việc đặt ra tiêu chuẩn về đạo đức công vụ trên chịu sự chi phối của yếu tố chính trị và trên thực tế, pháp luật về công chức của các quốc gia trên thế giới đều đề cập đến yếu tố này khi đưa ra tiêu chuẩn tuyển dụng công chức.

b) Tiêu chuẩn về trình độ học vấn và trình độ chuyên môn

Cơ quan nhà nước được sử dụng quyền lực nhà nước, có quyền nhân danh nhà nước khi tham gia vào các quan hệ pháp luật nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lí với mục đích hướng tới lợi ích công. Biểu hiện của việc sử dụng quyền lực nhà nước là việc cơ quan nhà nước được ban hành các chính sách công để quản lý trên từng lĩnh vực chuyên môn của quốc gia, của từng địa phương và thực hiện những biện pháp cưỡng chế nhất định để triển khai chính sách, pháp luật của nhà nước vào trong đời sống xã hội. Do đó, đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan này phải đảm bảo trình độ cao, cả về trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, chứ không phải là tiêu chuẩn chung chung như “có văn bằng phù hợp” mà Luật Cán bộ, công chức quy định. Tiêu chuẩn về trình độ học vấn và trình độ chuyên môn thể hiện qua các nội dung dưới đây:

- Thứ nhất, nhân lực chất lượng cao trong cơ quan nhà nước phải có trình độ học vấn cao thể hiện thông qua nhận thức xã hội.

Trình độ học vấn là những kiến thức cơ bản về tự nhiên, xã hội được các quốc gia đưa vào trong chương trình giáo dục ở bậc phổ thông. Đối với nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước, trước hết, phải đảm bảo trình độ học vấn cao thể hiện qua quá trình học tập và rèn luyện tốt ở bậc học phổ thông [phải qua bậc trung học phổ thông (THPT)] và nhận thức của cá nhân về xã hội. Trình độ học vấn là những kiến thức nền tảng cho mỗi cá nhân khi bước vào quá trình học tập chuyên ngành. Thực tế cho thấy, phần lớn và hầu hết những người có trình độ chuyên môn tốt đều là những người có nền tảng học vấn tốt. Do đó, trình độ học vấn còn là nền tảng cơ sở cho nhận thức của mỗi cá nhân về thế giới. Với ý nghĩa đó, có thể khẳng định, cá nhân có quá trình học tập và rèn luyện tốt ở bậc học phổ thông (trình độ học vấn cao) sẽ có nhận thức tốt về xã hội, về thế giới xung quanh và là cơ sở nền tảng quan trọng cho quá trình học tập chuyên ngành phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp tương lai. (Về

- Thứ hai, nhân lực chất lượng cao trong cơ quan nhà nước phải có trình độ chuyên môn cao thể hiện thông qua kỹ năng thực hành nghề nghiệp.

Trình độ chuyên môn là những kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp mà mỗi công chức được đào tạo trước khi được tuyển dụng. Thông thường, những cá nhân có quá trình đào tạo chuyên môn tốt thì có kỹ năng thực hành nghề nghiệp tốt. Trong các cơ quan nhà nước, mỗi công chức được sắp xếp vào những vị trí công việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo của mình và mỗi công việc khác nhau lại có những yêu cầu khác nhau về chuyên môn, song, nhìn chung, trình độ chuyên môn cao thể hiện thông qua chương trình đào tạo, bậc đào tạo. Nghiên cứu về chương trình đào tạo của các bậc đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân của các quốc gia trên thế giới có thể thấy, mỗi bậc đào tạo được thiết kế theo chương trình đào tạo khác nhau đảm bảo tính kế thừa và phát triển từ bậc đào tạo thấp đến cao. Do đó, việc xác định trình độ chuyên môn cao của cá nhân có thể căn cứ vào bậc đào tạo. Ở Việt Nam, trình độ đại học được xác định là trình độ cao trong hệ thống giáo dục. Do vậy, trong phạm vi của hoạt động quản lý nhà nước, để thuận tiện cho hoạt động quản lý, có thể đặt ra tiêu chí về trình độ đại học đối với nhân lực trong cơ quan nhà nước[1].

c) Tiêu chuẩn về năng lực công tác

Đây là tiêu chí quan trọng bậc nhất thể hiện được rõ nhất chất lượng của nhân lực trong mỗi tổ chức. Ngoài việc có sức khỏe tốt để có thể đảm đương nhiệm vụ và áp lực của công việc trong nền công vụ, nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước phải có năng lực công tác tốt thể hiện qua một số nội dung cơ bản sau đây:

- Thứ nhất, nhân lực chất lượng cao trong cơ quan nhà nước phải có năng lực công tác tốt thể hiện qua kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là một biểu hiện của kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Thường thì những cá nhân có trình độ chuyên môn cao thì có kỹ năng thực hành nghề nghiệp tốt. Tuy nhiên, khả năng vận dụng những kiến thức chuyên môn của mỗi người không giống nhau dẫn đến hiệu quả thực hiện công việc cũng khác nhau. Đối với nhân lực chất lượng cao làm công tác chuyên môn trong các cơ quan nhà nước, yêu cầu cơ bản nhất là phải có khả năng vận dụng kiến thức chuyên môn một cách linh hoạt để đạt hiệu quả công việc cao nhất. Đây là một trong những yếu tố tạo thành năng lực công tác của mỗi cá nhân.

- Thứ hai, nhân lực chất lượng cao trong cơ quan nhà nước phải có năng lực công tác tốt thể hiện qua khả năng sử dụng ngoại ngữ chuyên môn trong xu hướng hội nhập.

Trong việc xây dựng chiến lược và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế của bộ, ngành, địa phương, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và rộng như hiện nay, các cơ quan nhà nước cần có sự trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với bên ngoài, với các nhà nước và tổ chức quốc tế, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức cần phải có trình độ ngoại ngữ nhất định làm “chìa khóa” để hội nhập. Ngoài việc sử dụng ngoại ngữ giao tiếp, nhân lực chất lượng cao làm công tác chuyên môn trong cơ quan nhà nước cần phải có khả năng giao tiếp ngoại ngữ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong nước và nước ngoài để tham mưu hoạch định chính sách cho lãnh đạo trong việc triển khai hoạt động hợp tác quốc tế của bộ, ngành, địa phương.

- Thứ ba, nhân lực chất lượng cao trong cơ quan nhà nước phải có năng lực công tác tốt thể hiện qua khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn.

Trong bối cảnh của một nền công vụ hiện đại, “chính phủ điện tử” đang được áp dụng rộng rãi tại khắp các quốc gia trên thế giới, do đó, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin là một yêu cầu vừa là cơ bản, vừa là đòi hỏi cao đối với các công chức là nhân lực chất lượng cao trong cơ quan nhà nước. Hiệu quả của bộ máy nhà nước được đánh giá thông qua việc đáp ứng nhanh nhất, tốt nhất những yêu cầu của người dân. Trong thực thi nhiệm vụ, nếu công chức có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng tốt yêu cầu công việc, sẽ là nhân tố quan trọng giúp cho công việc của cơ quan được thuận lợi.

- Thứ tư, nhân lực chất lượng cao trong cơ quan nhà nước phải có năng lực công tác tốt thể hiện qua kỹ năng giao tiếp ứng xử trong thực thi công vụ.

Công chức làm công tác chuyên môn trong các cơ quan nhà nước là những người trực tiếp thực thi công vụ, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp và giải quyết các yêu cầu của người dân, do đó để đảm bảo chất lượng và hiệu quả công việc, họ phải có những yêu cầu cao về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, cụ thể: Có thái độ nhã nhặn trong giao tiếp, phù hợp với quan niệm và phép tắc xã giao của xã hội đương thời; có sự chuẩn mực, lễ độ trong giao tiếp với từng đối tượng: Với nhân dân, với cấp trên, cấp dưới và với đồng nghiệp.

Công chức là nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước có khả năng giao tiếp, ứng xử tốt sẽ tạo được sự hài hòa trong giải quyết công việc, tạo được sự hài lòng cho người dân, từ đó góp phần thực hiện được chương trình cải cách hành chính, góp phần bảo vệ chế độ nhà nước. Tiêu chí này còn thể hiện tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân (đạo đức công vụ) của cán bộ, công chức trong bối cảnh hiện nay khi nền hành chính thế giới đang có xu hướng chuyển từ mô hình “nền hành chính cai trị” sang “nền hành chính phục vụ”. Để nhận biết về khả năng giao tiếp ứng xử của nhân lực chất lượng cao trong cơ quan nhà nước, các nhà quản lý cần thực hiện kết hợp nhiều biện pháp như kiểm tra tình huống, khảo sát ý kiến đánh giá của người dân về tác phong giao tiếp và thái độ phục vụ của các đối tượng này.

- Thứ năm, nhân lực chất lượng cao trong cơ quan nhà nước phải có năng lực công tác tốt thể hiện qua khả năng nghiên cứu, phân tích, tổng hợp để tham mưu quyết định chính sách.

Hoạt động của công chức trong cơ quan nhà nước là hoạt động có tính chất tham mưu, tổng hợp, do đó, ngoài kỹ năng thực hành nghề nghiệp tốt, họ phải thể hiện được năng lực nghiên cứu, phân tích, đánh giá, tổng hợp tốt mới có thể kịp thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo trong việc ra quyết định chính sách để làm công cụ cho công tác quản lý, điều hành nền hành chính công vụ.

Kết luận

Từ đặc điểm nhân cách tài năng và quan điểm của Hồ Chí Minh về nhân tài, tác giả đã phân tích nội dung và góp phần làm sáng tỏ một số tiêu chuẩn cơ bản đối với nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước, bao gồm: Tiêu chuẩn về đạo đức công vụ, tiêu chuẩn về trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, tiêu chuẩn về năng lực công tác. Kết quả nghiên cứu của bài viết có ý nghĩa nhất định đối với các nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao trong cơ quan nhà nước phục vụ cho sự nghiệp phát triển của bộ, ngành, địa phương.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1989), Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện toàn tập, tập 1.

[3]. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

[4]. Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

[5]. Nguyễn Hoàng Lương, Phạm Hồng Tung (2008), Tài năng và đắc dụng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[6]. Nguyễn Hữu Công (2010), Tư tưởng HCM về phát triển con người toàn diện, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 

[1] Trên thực tế, trong điều kiện đất nước chưa ổn định về mặt chính trị, giáo dục, chẳng hạn như ở Việt Nam thời kỳ đầu của nhà nước xã hội chủ nghĩa, việc thu hút những người có tài năng nhưng chưa qua đào tạo chuyên môn để ra giúp nước là cần thiết và cần phải được tiến hành để phục vụ cho nhà nước. Còn trong điều kiện chính trị ổn định như ngày nay, việc đặt ra tiêu chí về trình độ chuyên môn là nhằm đảm bảo tính pháp lý cho các hoạt động quản lý nhân sự nhà nước, tránh trường hợp lợi dụng, thao túng trong quản lý công chức tại các cơ quan nhà nước, nhất là ở cấp địa phương.

Bài viết liên quan

HAY - Phương pháp đo lường giá trị công việc làm cơ sở xây dựng bảng lương theo vị trí công việc

HAY - Phương pháp đo lường giá trị công việc làm cơ sở xây dựng bảng lương theo vị trí công việc

Phương pháp HAY là gì? HAY Method được phát triển bởi tập đoàn Hay- giờ là Korn...
ỨNG DỤNG GAMIFICATION TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ NHÂN LỰC

ỨNG DỤNG GAMIFICATION TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ NHÂN LỰC

Gamification (Trò chơi hóa) ngày càng được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh...
CÁCH THỨC XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC KẾT HỢP TRÊN NỀN TẢNG BSC & KPI CÓ SẴN TRONG DOANH NGHIỆP

CÁCH THỨC XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC KẾT HỢP TRÊN NỀN TẢNG BSC & KPI CÓ SẴN TRONG DOANH NGHIỆP

Bài viết tổng hợp những góc nhìn của doanh nghiệp muốn xây dựng khung năng lực dựa vào...
XÂY DỰNG BSC, KPIs VÀ ỨNG DỤNG TRONG TRẢ LƯƠNG 3Ps

XÂY DỰNG BSC, KPIs VÀ ỨNG DỤNG TRONG TRẢ LƯƠNG 3Ps

Để trả lương hiệu quả thì trước hết cần đánh giá được hiệu quả làm việc, đo lường được mức độ...