NHỮNG THAY ĐỔI TRONG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thuật ngữ chỉ kỷ nguyên công nghiệp lớn lần thứ 4 kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên diễn ra vào thế kỷ XVIII. Hạt nhân của cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, robot, internet, công nghệ nano. Cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời kéo theo sự thay đổi của toàn bộ lĩnh vực, đời sống, văn hóa và đặc biệt là các nghành kinh tế công nghiệp.

Nền công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Theo đó, thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo hướng thiếu hụt lao động chất lượng cao. Thực tế trên khiến nguồn nhân lực trong giai đoạn này phải được trang bị kiến thức, kỹ năng mới để có thể làm chủ công nghệ. Đào tạo nhân lực lúc này cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp tổ chức có đội ngũ nguồn nhân lực đủ cả lượng và chất đáp ứng yêu cầu mới của sản xuất kinh doanh trong CMCN 4.0

 

1. ĐẶC ĐIỂM SẢN XUẤT KINH DOANH TRONG CMCN 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 với bản chất là đột phá trong lĩnh vực công nghiệp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh thay đổi với một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh thay đổi từ đầu tư rộng, khai thác lợi thế về tài nguyên và giá nhân công rẻ sang tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Như vậy, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, lợi thế về nhân công giá rẻ từ xưa đến nay dần dần sẽ mất đi, thay vào đó là nhân lực với năng suất lao động cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Hơn nữa, xu hướng hội nhập phát triển kéo theo xu hướng đa phương hóa, toàn cầu hóa, từ đó hình thành các thị trường lao động toàn cầu với tiêu chuẩn khắt khe hơn. Nguồn nhân lực Việt Nam không những cần đáp ứng yêu cầu trong nước mà còn cần đáp ứng tiêu chuẩn chung của các thị trường ngoài nước, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU hay Mỹ. Tuy nhiên, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới công bố, Việt Nam là một trong các nước chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 70/100 về chất lượng nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ ngang bằng với Campuchia, đất nước vẫn thuộc danh sách các nước kém phát triển nhất thế giới. Nói như vậy để thấy chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam là quá kém, không theo kịp xu thế thay đổi của kinh tế thế giới. Để khắc phục tình trạng trên, giải pháp đưa ra là đẩy mạnh cái tiến hệ thống giáo dục, ưu tiên cho ngành khoa học kỹ thuật, nâng cao văn hóa tự học tập trong mỗi người lao động.

 

Thứ hai, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo và hệ thống dữ liệu lớn “big data” khiến yêu về sự “làm chủ công nghệ” lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trí tuệ nhân tạo là một mảng đề tài lớn được các nhà làm phim trên thế giới đề cập từ rất lâu. Trong thế giới điện ảnh, trí tuệ nhân tạo đã phát triển đến mức có thể điều khiển ngược lại loài ngoài. Trong thực tế, thế giới đã tạo ra những loại robot biết nhận thức suy nghĩ và cảm xúc con người và từ đó đưa ra biểu cảm phù hợp với hoàn cảnh. Thậm chí robot Sophia còn được Liên Hợp Quốc bổ nhiệm làm Đại sứ Tri thức. Sự phát triển đáng kinh ngạc trong thế giới công nghệ này khiến thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao để thực sự làm chủ công nghệ trở thành vấn đề sống còn đối với mỗi quốc gia nói chung và với mỗi tổ chức nói riêng.

Thứ ba, dưới tác động của công nghệ hiện đại nhiều ngành nghề kinh doanh mới ra đời, những sản phẩm và mô hình kinh doanh "chưa từng có trong tiền lệ" hình thành gây khó khăn trong việc quản lý nhà nước, phối hợp kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị. Mô hình dịch vụ vận tải Uber là minh chứng rõ nét cho nhận định này. Uber là một công ty kinh doanh mạng lưới giao thông vận tải và công ty taxi dựa trên ứng dụng được thành lập vào năm 2009. Với ưu thế của mình, Uber có thể cung cấp chi phí thấp hơn với các dịch vụ cực kỳ cạnh tranh với dịch vụ taxi truyền thống. Với lợi thế quá lớn này, Uber là chủ đề của các cuộc biểu tình đang diễn ra của các tài xế xe taxi, công ty taxi truyền thống. Tại một số nước, Chính phủ tin rằng nó là một hoạt động taxi bất hợp pháp, cạnh tranh không công bằng giữa các đơn vị vận tải taxi. Uber hiện nay bị cấm ở một số quốc gia như các nước Châu Âu, nhưng ngược lại, cũng nhận được ủng hộ của rất nhiều quốc gia khác. Có thể thấy, sự ra đời của loại hình kinh doanh mới này gây rất nhiều khó khăn trong quản lý, khiến rất nhiều quốc gia lúng túng trong xử trí và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

 

Thứ tư, ảnh hưởng sâu rộng của hệ thống Internet kéo theo thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi tổ chức. Sự bùng nổ của nó trong nền công nghiệp 4.0 làm nhân loại thay đổi cách thức tiếp cận, thu nhận thông tin. Với sự phát triển mạnh mẽ hiện nay, các phương tiện truyền thông mạng xã hội - công nghệ dựa trên nền tảng internet đang dần chiếm lĩnh xã hội. Theo trang web ebizmba.com – trang web chuyên cung cấp thông tin, đánh giá những trang web, nền tảng web tốt nhất thế giới trang web mạng xã hội tốt nhất hiện nay là Facebook. Cùng với facebook, 10 trang web phổ biến nhất hiện nay là:

                     Bảng 1. Thống kê 10 trang Web xã hội phổ biến nhất hiện nay

(tính đến tháng 2/2017)

STT

Trang web

Số lượt truy cập tuần

1

Facebook

1100 triệu

2

Youtube

1000 triệu

3

Twitter

310 triệu

4

LinkedIn

255 triệu

5

Pinterest

250 triệu

6

Google Plus+

120 triệu

7

Tumblr

110 triệu

8

Instagram

100 triệu

9

Reddit

85 triệu

10

VK

80 triệu

(Nguồn: Alex Global Traffic Rank & Traffic Rank, Hoa Kỳ)

            Như vậy, với số lượng truy cập mỗi tuần, sức mạnh của mạng xã hội hiện nay là rất khủng khiếp, đặc biệt các tổ chức cần chú ý đến sức mạnh lan tỏa của nó. Với sự phát triển của công nghệ và các nền tảng này, các nguyên tắc của hoạt động kinh doanh thông thường có thể không còn ý nghĩa.  Philip Kotler - một trong bốn "Nhà quản trị vĩ đại nhất mọi thời đại", đã đưa ra ví dụ về những gì đang xảy ra trong lĩnh vực nước khoáng, để minh chứng cho nhận định trên. Nước khoáng bán tốt ở các siêu thị khác với nước khoáng bán chạy nhất trong thương mại điện tử. Sự khác biệt này là do khách hàng thương mại điện tử đã chọn sản phẩm dựa trên các truy vấn tìm kiếm. Nước khoáng được hiển thị như mục xuất hiện đầu tiên khi tìm kiếm từ khóa về “sức khỏe’ hay “nước” không nhất thiết là nước khoáng bán tốt nhất tại các siêu thị.

Nói như vậy để thấy rằng, sức mạnh lan tỏa, khả năng bùng nổ thông tin của internet là rất lớn và đang thay đổi thế giới. Vận dụng được sức mạnh này, tổ chức có thể thành công trong mọi lĩnh vực, từ quản lý cho đến kinh doanh. Nguyên nhân của việc này là cách truyền tải thông tin hiện nay đã chuyển từ truyền tin “Bowling” sang “pinball”. Cụ thể như sau:

                                       Hình 1. Chuyển đổi cách thức truyền tin từ  “Bowling” sang “PinBall”

            Với cách truyền tin kiểu Bowling, xét một cách đơn giản hóa, thông tin được truyền từ người gửi đến người nhận và phần nào đó là truyền tin một chiều (chiều từ phía khách hàng cũng được các tổ chức để ý nhưng hiệu quả của thông tin theo chiều này là không cao). Ngược lại, với cách truyền tin Pinball, thông tin sẽ được tiếp cận theo hướng đa chiều giữa người gửi với người nhận và giữa những người nhận với nhau. Như vậy, thông tin mà các đối tượng thu nhận được là rất đa dạng với đầy đủ khía cạnh. Đối phó với thay đổi này, mỗi tổ chức cần xây dựng lại toàn bộ hệ thống cho phù hợp với thực tiễn hiện nay

2. SỰ THAY ĐỔI CỦA ĐÀO TẠO NHÂN LỰC 4.0

Đứng trước sự thay đổi của nền Công nghiệp 4.0, đào tạo nhân lực với vai trò là nghiệp vụ quan trọng giúp đảm bảo yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực trong mỗi tổ chức cần có những thay đổi nhằm tiếp tục phát huy vai trò của nó. Đào tạo nhân lực 4.0 sẽ không thay đổi về bản chất công tác đào tạo nhưng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh mới. Một số hướng thay đổi của đào tạo nhân lực 4.0 đó là:

Một là, nội dung đào tạo cần tập trung nhiều hơn về kỹ năng và thái độ thay vì kiến thức. Thái độ giúp người lao động có suy nghĩ, nhận thức và cái nhìn phù hợp hơn với điều kiện hoàn cảnh mới, từ đó họ nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ bản thân để không bị nền công nghiệp mới đào thải. Kỹ năng giúp người lao động có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ mới trong công việc. Tất nhiên, để có thể thực hiện tốt những yêu cầu mới, người lao động phải trang bị thêm cho mình kiến thức mới. Đó có thể là kiến thức về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo hay những máy móc hiện đại mới… Như vậy, có thể thấy, kiến thức trong nền công nghiệp 4.0 cũng rất quan trọng, mặc dù vậy, các tổ chức có thể giảm bớt các nội dung đào tạo kiến thức cho người lao động bởi những kiến thức cần thiết có thể được tìm kiếm và tra cứu rất dễ dàng qua mạng internet. Như đã phân tích ở trên, internet đã trở nên rất phổ biến, cùng với sự phát triển của điện thoại di động, công nghệ 4G, phần mềm di động khiến cho việc tự trang bị kiến thức qua internet là rất dễ dàng. Tuy nhiên, để áp dụng thành công sự thay đổi này cần lưu ý một số vấn đề sau:

            - Theo thống kê, năm 2015, 54% người dùng Việt truy cập đến Internet để xem video, 59% truy cập đến mạng xã hội, 43% nghe nhạc online, 56% tìm kiếm trên mạng. Trong khi đó, 23% người dùng chỉ check email, 13% chỉ tìm kiếm bản đồ và chỉ dẫn đường và thậm chí chỉ 6% tìm kiếm mua sắm sản phẩm và dịch vụ [3] . Đối với mạng xã hội, năm 2018, mục đích học tập và đọc tin tức của người Việt khi tham gia mạng xã hội chỉ chiếm 39,1%, trong khi đó mục đích để liên lạc, giải trí, mua sắm… chiếm đến 60,1% [4]. Số liệu trên cho thấy, mục đích của phần lớn người Việt sử dụng internet là để giải trí chứ không phải phục vụ cho học tập và làm việc. Để thay đổi thói quen đó, các tổ chức cần nâng cao ý thức tự học của người lao động.

- Kiến thức trên mạng có thể không chính thống, người học có thể tiếp thu cả những kiến thức không chính xác, do đó các tổ chức cần nâng cao kỹ năng phân tích dữ liệu, tư duy và khả năng phản biện các vấn đề cho người lao động. Làm được điều này, người lao động mới có thể lựa chọn các nguồn thông tin chính xác.

Hai là, số hóa các nội dung có tính chất lặp đi lặp lại. Các nội dung có thể được số hóa đó là: giới thiệu về tổ chức, văn hóa tổ chức, truyền thống, lịch sử hình thành tổ chức, các bộ quy tắc trong tổ chức hoặc thậm chí các nội dung công việc ít thay đổi trong tổ chức như các sản phẩm/dịch vụ cốt lõi. Theo thống kê, có đến 90% các công ty, tập đoàn đa quốc gia sử dụng số hóa trong đào tạo nhân lực. Tại Việt Nam, xu hướng số hóa cũng được đề cập đến rất nhiều, đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” (Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017). Phát triển hệ tri thức Việt số hóa có thể giúp xây dựng hệ tri thức Việt số hóa thông qua việc tổng hợp, hệ thống hóa, việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực, tạo điều kiện để mọi người dân học tập suốt đời, làm chủ tri thức; tăng cường sáng tạo nghiên cứu, ứng dụng KHCN. Như vậy, số hóa nội dung đào tạo là xu thế tất yếu của mỗi doanh nghiệp. Việc số hóa nội dung đào tạo cùng với ý thức tự học của người lao động cũng có thể giúp tiết kiệm chi phí đào tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực.  

- Hiện nay có rất nhiều phương pháp để số hóa nội dung đào tạo, tiêu biểu đó là:

+ Bài giảng đồng bộ audio, slide và Quiz,

+ Bài giảng đồng bộ audio, slide, Quiz kèm theo các tương tác trực tiếp trên màn hình;

+ Bài giảng đồng bộ slide, video, Quiz kèm theo các tương tác trên màn hình, Video ghi hình giảng viên hoặc video mô phỏng tình huống liên quan;

+ Bài giảng sử dụng các nhân vật 2D/3D để dẫn dắt bài giảng hoặc mô phỏng tình huống, nội dung bài giảng.

- Quy trình số hóa nội dung đào tạo có thể như sau:

B1. Lựa chọn nội dung đào tạo cần số hóa và mục tiêu của số hóa nội dụng

B2. Xác định đối tượng người học

B3. Lựa chọn cách thức truyền tải

B4. Phác thảo hình ảnh nội dung số hóa

B5. Lấy ý kiến và hoàn thiện nội dung số hóa

B6. Đưa vào áp dụng trong thực tế.

Ba là, chương trình đào tạo chuẩn bị cho tương lai của các tổ chức cần được xác định chính xác và dựa theo kỳ vọng về thị trường. Thị trường nền công nghiệp 4.0 là thị trường luôn biến động, những điều hôm nay tưởng chừng là tất yếu có thể là sự lỗi thời trong tương lai gần. Vì vậy, để xác định chương trình đào tạo cho tương lai các tổ chức cần xác định rõ kỳ vọng của khách hàng, của thị trường. Làm được điều này, tổ chức có thể thấy rõ mức độ thành công trong việc đầu tư cho đào tạo. Mô hình xác định nhu cầu đào tạo có thể thay đổi như sau:

Hình 2. Mô hình xây dựng chương trình đào tạo dựa theo thị trường

Với mô hình trên, chương trình đào tạo cho tương lai được bám sát với thị trường, nhu cầu khách hàng và những thay đổi về công nghệ thông qua quá trình truyền và nhận tin. Như đã phân tích ở trên, sức mạnh cộng đồng giai đoạn hiện nay ngày càng lớn, các chương trình đào tạo chuẩn bị cho tương lai cần nắm bắt được tâm lý, kỳ vọng của nhóm đối tượng này để điều chỉnh cho phù hợp hơn với sở thích của người tiêu dùng. Ngoài ra, quá trình truyền và nhận tin được thực hiện thông qua các kênh trò truyện trực tuyến với khách hàng còn có điểm mạnh là khả năng khuấy động nhóm khách hàng tiềm năng. Điều chỉnh chương trình đào tạo có thể giúp tổ chức chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhóm đối tượng khách hàng trên từ đó kéo họ trở thành khách hàng của tổ chức.

Thứ tư, truyền thông trong đào tạo. Trước đây, truyền thông thường được gắn với các hoạt động như marketing, tuyển dụng, các hoạt động nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đối với đào tạo nhân lực nội bộ, truyền thông trong đào tạo là cách tiếp cận mới trong nền công nghiệp 4.0. Truyền thông trong đào tạo có thể là cả truyền thông nội bộ và truyền thông bên ngoài. Sở dĩ đề cao truyền thông trong đào tạo giai đoạn hiện nay bởi như đã phân tích, thông tin trong nền công nghiệp 4.0 được truyền tải theo nguyên tắc “Pinball”, với nguyên tắc này, thông tin có sức lan tỏa mạnh và ảnh hưởng đến nhiều đối tượng. Đào tạo thông qua quá trình làm việc với con người có thể giúp tổ chức nâng cao hình ảnh, uy tín với xã hội.

- Đối với truyền thông nội bộ, tổ chức cần thông qua các chương trình đào tạo thu hút người lao động quan tâm hơn đến đào tạo và hoàn thiện bản thân. Muốn vậy các chương trình đào tạo cần mang tính kích thích, mới lạ và thực sự cần thiết với người lao động. Ngoài ra, việc quảng bá chương trình đào tạo qua các kênh thông tin nội bộ của tổ chức cũng rất quan trọng..

- Đối với truyền thông bên ngoài, đào tạo nội bộ cần gắn chặt với trách nhiệm xã hội của tổ chức. Cụ thể, các chương trình đào tạo cần có sự kết hợp với các trường đại học nhằm xây dựng môi trường đào tạo chuyên nghiệp gắn thực hành với lý thuyết. Hơn nữa, xây dựng môi trường đào tạo chuyên nghiệp, cung cấp cơ hội đào tạo thăng tiến có thể là yếu tố giúp quảng bá thêm cho hình ảnh của doanh nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho tổ chức.

                                                                                                                                                                    THS. LÊ TRUNG HIẾU

                                                                                                                                     CHUYÊN GIA ĐÀO TẠO VÀ TƯ VẤN CỦA NHÂN LỰC VIỆT

 

ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ: CÔNG TY TNHH TƯ VẤN VÀ DỊCH VỤ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VIỆT

Địa chỉ: Số 53, Phạm Tuấn Tài, P. Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Website: www.daotaonhanlucviet.com.vn                Hotline: 0941.886.228                         Email: tuvannhanlucviet@gmail.com

Bài viết liên quan

HAY - Phương pháp đo lường giá trị công việc làm cơ sở xây dựng bảng lương theo vị trí công việc

HAY - Phương pháp đo lường giá trị công việc làm cơ sở xây dựng bảng lương theo vị trí công việc

Phương pháp HAY là gì? HAY Method được phát triển bởi tập đoàn Hay- giờ là Korn...
ỨNG DỤNG GAMIFICATION TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ NHÂN LỰC

ỨNG DỤNG GAMIFICATION TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ NHÂN LỰC

Gamification (Trò chơi hóa) ngày càng được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh...
CÁCH THỨC XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC KẾT HỢP TRÊN NỀN TẢNG BSC & KPI CÓ SẴN TRONG DOANH NGHIỆP

CÁCH THỨC XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC KẾT HỢP TRÊN NỀN TẢNG BSC & KPI CÓ SẴN TRONG DOANH NGHIỆP

Bài viết tổng hợp những góc nhìn của doanh nghiệp muốn xây dựng khung năng lực dựa vào...
XÂY DỰNG BSC, KPIs VÀ ỨNG DỤNG TRONG TRẢ LƯƠNG 3Ps

XÂY DỰNG BSC, KPIs VÀ ỨNG DỤNG TRONG TRẢ LƯƠNG 3Ps

Để trả lương hiệu quả thì trước hết cần đánh giá được hiệu quả làm việc, đo lường được mức độ...