XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU NHÀ TUYỂN DỤNG

Cách mạng công nghệ lần thứ 4 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia CMCN lần thứ 4 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Để thực hiện được, bản thân doanh nghiệp cần phải có những thay đổi chiến lược phù hợp với xu thế. Một trong những bước tiến của doanh nghiệp chính là tập trung xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng vững mạnh, để từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả tuyển dụng nhân lực, thu hút được đội ngũ lao động trẻ, chất lượng và giàu tiềm năng; quảng bá văn hóa doanh nghiệp và đồng thời khơi dậy ngọn lửa đam mê cho các thế hệ nhân viên. Trong tình hình hiện nay, các biện pháp chính doanh nghiệp sử dụng để xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng là thông qua việc quảng bá giá trị, văn hóa của doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông, trang web riêng của doanh nghiệp và qua sự chia sẻ từ chính nhân viên.

Tuyển dụng nhân lực được đánh giá là “bước chạm quan trọng đầu tiên” trên con đường chinh phục những thành công của mọi tổ chức vì lẽ đơn giản rằng tuyển dụng nhân lực tốt sẽ giúp doanh nghiệp có đủ nhân lực với trình độ đáp ứng được các yêu cầu tại từng vị trí, chức danh nhằm vận hành tốt bộ máy doanh nghiệp. Lợi ích có thể nhìn nhận thấy rõ khi thực hiện tốt hoạt động Tuyển dụng nhân lực chính là nhân viên mới nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc và đáp ứng đúng các yêu cầu về tiêu chuẩn của các vị trí, công việc, đồng thời còn giúp giảm được chi phí do không bố trí được vào công việc, tuyển dụng lại hay những chi phí đào tạo ban đầu, và tránh được những rủi ro, thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc, giúp cho doanh nghiệp cải thiện được chất lượng nguồn nhân lực, từ đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, không một doanh nghiệp nào là không mong muốn có được nguồn nhân lực chất lượng cao từ tuyển dụng. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của thời đại, các doanh nghiệp ngày nay phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức trong việc tìm kiếm ứng viên tài năng cho các vị trí quan trọng. Thêm vào đó là những thử thách trong trải nghiệm tìm việc của ứng viên và quá trình ứng tuyển đã trở nên phức tạp hơn trước. Mặt khác, đối với các ứng viên trẻ có nhiều kiến thức công nghệ và hiểu biết nhiều hơn, họ thường sẽ tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá về công ty và văn hóa làm việc của doanh nghiệp qua các công cụ trực tuyến trước khi quyết định ứng tuyển. Theo một khảo sát của LinkedIn năm 2017 thì “75% ứng viên tìm kiếm thông tin về Nhà tuyển dụng trên Internet trước khi quyết định ứng tuyển. 67% ứng viên sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn nếu như công ty đó có thương hiệu tốt”. Do vậy, các doanh nghiệp ngày nay cần phải thay đổi chiến lược tuyển dụng, tận dụng lợi thế từ công nghệ thông tin, sức mạnh của các công cụ trực tuyến để nâng cao uy thế, xây dựng và tạo sức hút cho thương hiệu nhà tuyển dụng của chính mình.

Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng

Trước tiên, Khái niệm Thương hiệu nhà tuyển dụng (Employer Brand) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1990, được đưa ra bởi Simon Barrow - chủ tịch của People in Business, và Tim Ambler – Giám đốc cao cấp của Trường Kinh doanh Luân Đôn, trong ấn phẩm tháng 12 năm 1996 của Tạp chí Quản lý Thương hiệu. “Thương hiệu nhà tuyển dụng được hiểu là uy tín thương hiệu công ty dưới tư cách là nhà tuyển dụng thay vì uy tín của một doanh nghiệp trên thị trường”.

Tuy nhiên, đến giai đoạn từ năm 2004 đến 2008, theo một bài viết trên tạp chí Harvard Business Review, đề tài xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng mới trở nên được quan tâm đặc biệt khi các tập đoàn lớn như Unilever, Shell hay P&G đã tập trung phát triển các dự án xây dựng thương hiệu của họ với tư cách là nhà tuyển dụng trên thị trường tuyển dụng giống như cách họ đã làm để xây dựng thương hiệu công ty trên thị trường tiêu dùng truyền thống. Nguyên do của tình trạng này bắt nguồn từ thị trường tuyển dụng lúc này ngày càng chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt để các công ty có thể thu hút được những nhân sự tốt và cao hơn nữa là những nhân tài về làm việc cho họ.

Do đó, hoạt động Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng (Employer Branding) đồng thời được hình thành. “Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng tập trung tạo dựng hình ảnh của một tổ chức như là một công ty giàu tiềm năng (Backhaus & Tikoo, 2004) và tổ chức sẽ dùng nhiều công cụ để có thể sáng tạo và duy trì hình ảnh đó trong tâm trí của các ứng viên tương lai (Katiyar & Saini, 2016)”.

Thông thường, doanh nghiệp đều lựa chọn xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng bằng con đường truyền thông thương hiệu tuyển dụng thông qua hình ảnh, xây dựng trang tuyển dụng riêng hoặc kêu gọi sự chia sẻ từ chính những nhân viên đang làm việc tại doanh nghiệp. Hình ảnh có thể bao gồm các bức ảnh chụp hoặc các video về doanh nghiệp. Nội dung của chúng có thể là các khoảnh khắc của nhân viên tại công ty, một vài hoạt động nội bộ, hình ảnh của công ty tại một số sự kiện,… Một số lưu ý khi sử dụng hình ảnh doanh nghiệp gồm:

  • Đảm bảo nhân viên ở mọi cấp độ, phòng ban trong công ty đều có cơ hội xuất hiện trên hình ảnh doanh nghiệp
  • Đảm bảo chất lượng hình ảnh và video
  • Hình ảnh và video cần có thông điệp tập trung, rõ ràng, mạch lạc, làm nổi bật thương hiệu doanh nghiệp
  • Khích lệ sự tham gia đóng góp của mọi nhân viên.

Một trang tuyển dụng chuyên nghiệp của doanh nghiệp có thể được thiết kế riêng như một website tuyển dụng, một Fanpage, một tài khoản Hồ sơ công ty tại Linkedin,… Để đạt được hiệu quả, trang tuyển dụng riêng này phải đảm bảo các tiêu chí dưới đây để tối đa hoá trải nghiệm cho ứng viên:

  • Hiển thị dễ nhìn
  • Sử dụng đơn giản
  • Tối giản quá trình đăng ký trực tiếp
  • Thể hiện được hình ảnh và văn hóa doanh nghiệp
  • Tương thích với mobile
  • Cập nhật liên tục
  • Tương tác thường xuyên
  • Tạo sự công nhận từ cộng đồng

Bên cạnh đó, thương hiệu nhà tuyển dụng của doanh nghiệp được phản ánh tốt nhất qua chính nhân viên và mức độ sẵn sàng quảng bá cho thương hiệu doanh nghiệp của họ. Doanh nghiệp có thể đăng tải những nhận xét và đánh giá tích cực của nhân viên lên trang web và biến họ thành đại diện cho cả doanh nghiệp. Điều này góp phần xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng của doanh nghiệp và xây dựng lòng tin của ứng viên. Với những suy nghĩ từ chính nhân viên, doanh nghiệp có thể tăng tương tác và thu hút nhiều ứng viên phù hợp hơn. Chính vì vậy, thông qua việc khuyến khích các nhân viên của mình chia sẻ cảm nhận về công ty trên các phương tiện trực tuyến, lợi ích mà doanh nghiệp nhận được sẽ không chỉ là đưa hình ảnh doanh nghiệp đi xa rộng hơn mà còn giúp doanh nghiệp thu được nguồn ứng viên lớn nhờ hiệu ứng lan truyền sự tin tưởng.

Tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng

Thứ nhất, thương hiệu nhà tuyển dụng đại diện cho toàn bộ doanh nghiệp mà qua đó doanh nghiệp quảng bá những giá trị tách biệt của họ so với các đối thủ cạnh tranh và tạo ra sức hút với những nhân tài chất lượng. Khi tập trung xây dựng tốt thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp, họ có thể chủ động tuyển dụng những nhân tài phù hợp nhất và hòa hợp với văn hóa làm việc sẵn có. Nguyên nhân là vì quá trình tuyển dụng lúc này sẽ trở nên dễ dàng hơn khi thương hiệu của doanh nghiệp đã trở nên quen thuộc với các ứng viên tiềm năng. Doanh nghiệp sẽ không gặp khó khăn khi tiếp cận với các nguồn ứng viên chất lượng, thu hút và chinh phục họ cho các vị trí quan trọng trong công ty, đồng thời còn có khả năng giảm chi phí tuyển dụng và giảm tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên. Do vậy, một thương hiệu nhà tuyển dụng vững chắc, khác biệt và nổi bật sẽ giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân các tài năng hàng đầu - đặc biệt là các ứng viên trẻ. Những điều này sẽ góp phần khẳng định hiệu quả tuyển dụng của doanh nghiệp.

Thứ hai, thương hiệu nhà tuyển dụng sẽ đi kèm với văn hóa của doanh nghiệp. Bằng cách tạo ra văn hóa làm việc tích cực, doanh nghiệp có thể định hình nhận thức của các ứng viên về thương hiệu nhà tuyển dụng của công ty. Những quyền lợi hấp dẫn như khen thưởng khi họ đạt thành tích, chương trình phúc lợi linh hoạt, và hỗ trợ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của các nhân viên, hợp nhất mục tiêu của nhân viên và doanh nghiệp sẽ đóng góp đáng kể vào thương hiệu nhà tuyển dụng của doanh nghiệp. Các nghiên cứu gần đây về mức độ gắn kết của nhân viên với doanh nghiệp cho thấy rằng những nhân viên nhận được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp sẽ gắn kết hơn, có mức độ hài lòng cao hơn, dẫn đến hiệu suất làm việc tốt hơn. Nơi làm việc hiện đại, cơ sở vật chất đầy đủ và các chương trình chăm sóc sức khỏe nhân viên được chú ý sẽ giúp tăng nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, từ đó góp phần định hình ý tưởng của ứng viên về thương hiệu của nhà tuyển dụng. Điều này cũng giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho cả hai bên trong quá trình tuyển dụng khi các ứng viên hiểu rõ môi trường doanh nghiệp trước khi ứng tuyển.

Thứ ba, xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng cũng đồng thời là hoạt động khơi dậy và truyền lửa, truyền cảm hứng cho các thế hệ nhân viên tiếp theo của doanh nghiệp. Bằng cách cùng chính những nhân viên của mình truyền đi những thông điệp tuyệt vời về giá trị, về niềm tin, về văn hóa, về con người trong doanh nghiệp, đây được coi là một trong những giá trị có ý nghĩa tuyệt vời nhất mà thương hiệu nhà tuyển dụng vững mạnh đem lại. Những đánh giá của nhân viên được đánh giá không chỉ là nguồn thông tin giá trị nhất cho quá trình sàng lọc doanh nghiệp của ứng viên mà còn là nguồn động lực lớn, thúc đẩy ứng viên tích cực thể hiện bản thân khi ứng tuyển và thể hiện năng lực trong công việc sau khi trúng tuyển. Hiện nay, cùng với sự phát triển liên tục của mạng xã hội, điều này đang trở nên dễ tiếp cận hơn vì cảm nhận của một ứng viên về thương hiệu nhà tuyển dụng bao gồm mọi tương tác với doanh nghiệp. Với những suy nghĩ từ chính nhân viên được truyền đi, doanh nghiệp có thể tăng tương tác và thu hút nhiều ứng viên phù hợp hơn tiếp cận với doanh nghiệp. Với thị trường tuyển dụng nhân tài ngày càng xoay quanh ứng viên, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng của họ và hoàn thiện lợi thế cạnh tranh của họ trên thị trường năng động hiện nay.

Thực trạng thương hiệu nhà tuyển dụng hiện nay

Một thương hiệu doanh nghiệp mạnh sẽ là nền tảng quan trọng đầu tiên để xây dựng một thương hiệu nhà tuyển dụng mạnh. Bất kỳ ứng viên hay người lao động nào cũng muốn làm việc cho một công ty có tên tuổi. Việc điền tên những công ty như Google, Apple hay P&G vào lý lịch hồ sơ cá nhân chính là một chứng nhận rõ ràng về năng lực cho bất kỳ cá nhân nào. Tuy vậy, một thương hiệu công ty mạnh mới chỉ là nền tảng chứ chưa phải yếu tố quyết định đến khả năng thành công của một thương hiệu nhà tuyển dụng khi xét về yếu tố thời gian lâu dài. Để làm rõ, chúng ta cùng phân tích đối tượng khách hàng của thương hiệu nhà tuyển dụng, họ chính là những người làm thuê. Những ngoài làm thuê này ngoài bị hấp dẫn bởi uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, thì họ còn rất nhiều mong muốn và nguyện vọng khác, ví dụ như những quyền lợi nhận được hay những cơ hội phát triển mà doanh nghiệp cam kết. Trên thực tế có nhiều cá nhân lựa chọn nơi làm bến đỗ sự nghiệp của mình vì tên tuổi của CEO hơn là tên tuổi của công ty. Ngược lại cũng có nhiều người không bỏ công ty để ra đi mà họ bỏ người CEO mà họ cho là không đủ tâm tài hoặc nhiều khi đơn giản là không phù hợp.

Theo Báo cáo chuyên sâu kết quả khảo sát “Nhà tuyển dụng yêu thích 2018” do CareerBuilder thực hiện theo chương trình khảo sát thường niên được tổ chức trực tuyến từ ngày 25/12/2018 – 31/01/2019 đã ghi nhận ý kiến đóng góp khách quan của 17.498 đáp viên từ khắp ba miền và đang công tác tại nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Dưới đây là 10 cái tên đứng đầu trong danh sách 100 Nhà tuyển dụng nhận được sự bình chọn nhiều nhất từ các đáp viên.

Với 2.801 lượt bình chọn từ 17.498 đáp viên, FPT Telecom trở thành Nhà tuyển dụng được yêu thích nhất với sự chênh lệch khá lớn về số lượng bình chọn so với các Nhà tuyển dụng khác. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng nhận được số lượt bình chọn cao nhất từ các đáp viên thuộc khối ngành Kỹ thuật và Kế toán/ Tài chính. Vinamilk và Coca-Cola lần lượt giữ vị trí thứ 2 và thứ 3 với 1.752 và 1.484 lượt bình chọn.

Trong cuộc khảo sát trên, top 20 thương hiệu tuyển dụng được chú ý hàng đầu tập trung chính ở 3 nhóm ngành gồm Sản xuất/ tiêu dùng nhanh (7 doanh  nghiệp, chiếm 30%), nhóm bán sỉ/ bán lẻ (3 doanh nghiệp, chiếm 15%) và nhóm tài chính/ ngân hàng (3 doanh nghiệp, chiếm 15%).

Quả thật, kết quả top 20 thương hiệu nhà tuyển dụng được yêu thích năm 2018 không có gì là ngạc nhiên, khi những doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp hàng đầu của từng lĩnh vực, với khả năng tài chính mạnh, hiệu quả kinh doanh cao và đặc biệt là hệ thống các phúc lợi cho người lao động được đánh giá cao, dẫn đến trở thành “đích đến mong muốn” của mọi ứng viên.

Cùng trong cuộc khảo sát trên, một nội dung cũng được coi trọng chính là các yếu tố tạo nên một nhà tuyển dụng lý tưởng, dưới đây là bảng kết quả khảo sát:

Theo kết quả khảo sát, không có sự chênh lệch đáng kể về thứ hạng trong nhóm 3 yếu tố quan trọng nhất tạo nên Nhà tuyển dụng lý tưởng, cho thấy người lao động kỳ vọng gắn bó lâu dài với những doanh nghiệp có “đội ngũ lãnh đạo thể hiện được năng lực, tầm nhìn”, đồng thời “cung cấp mức lương hấp dẫn, tiền thưởng, các lợi ích tài chính khác” và “có cơ hội phát triển nghề nghiệp”. Trong đó, yếu tố năng lực, tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo được quan tâm hàng đầu chỉ ra rằng người lao động có xu hướng đề cao vai trò của cấp quản lý đối với sự phát triển nghề nghiệp của bản thân. Cấp quản lý có năng lực cao và tầm nhìn tốt sẽ định hướng, đồng hành và hỗ trợ người lao động đạt được mục tiêu nghề nghiệp dựa trên những cơ hội phát triển mà doanh nghiệp cung cấp. Yếu tố “Lương – thưởng” xếp thứ 2 phần nào đã chỉ ra ưu tiên về xu hướng dịch chuyển sang nhân tố con người hơn là vật chất của người lao động khi đứng giữa “chọn sếp tốt hay chọn việc lương cao”.

Bên cạnh đó, “môi trường làm việc đa dạng, không phân biệt đối xử”, “có quy trình làm việc hiệu quả” cũng là điều ứng viên mong muốn ở nhà tuyển dụng lý tưởng, cho thấy đáp viên không chỉ chú trọng đến không gian làm việc, cách hành xử, tương tác giữa các cá nhân trong tổ chức mà còn quan tâm đến cách doanh nghiệp xây dựng quy trình vận hành hiệu quả giữa các phòng ban, giúp nhân viên đạt được hiệu suất cao nhất trong công việc.

Trong các yếu tố khác mà người lao động mong đợi ở nhà tuyển dụng lý tưởng, ngoài việc doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt và hiệu quả tài chính cao thuộc về doanh nghiệp, các yếu tố còn lại chủ yếu tác động trực tiếp đến cá nhân như “có lộ trình phát triển sự nghiệp cho nhân viên”, “đảm bảo việc làm ổn định”, “khuyến khích ý tưởng đóng góp của nhân viên”, “môi trường trang bị đầy đủ cơ sở vật chất”,… Viêc doanh nghiệp “có sản phẩm hay dịch vụ thú vị” không thật sự ảnh hưởng nhiều đến quyết định lựa chọn của ứng viên.

Một thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn không chỉ thu hút người lao động hứng thú với doanh nghiệp, muốn tìm hiểu về doanh nghiệp mà còn cần phải khiến cho ứng viên mong muốn trở thành nhân viên và cùng doanh nghiệp phấn đấu, đạt được những bước tiến thành công trên con đường phát triển. Kết quả khảo sát về các yếu tố tạo nên công việc lý tưởng ảnh hưởng đến việc thu hút và giữ chân nhân tài do CareerBuilder thực hiện năm 2018 thu được dữ liệu như sau:

Kết quả khảo sát chỉ ra bên cạnh việc lựa chọn Nhà tuyển dụng lý tưởng để gắn bó lâu dài, khi cọn công việc lý tưởng để theo đuổi hành trình phát triển sự nghiệp, người lao động đều mong muốn công việc của mình có “phúc lợi tốt, môi trường – văn hóa làm việc phù hợp” và “có cơ hội thăng tiến rõ ràng”. Mức lương sẽ được cân nhắc sau khi đạt được các yếu tố trên. Tuy năng lực và tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo là yếu tố người lao động quan tâm nhất khi cọn nhà tuyển dụng lý tưởng nhưng khi cân nhắc các nhân tố tạo nên công việc lý tưởng thì việc “có mối quan hệ tốt với quản lý” được đánh giá ít quan trọng hơn việc “có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp”. Điều này cho thấy nếu doanh nghiệp tạo dựng được sự gắn kết tốt giữa các nhân viên với nhau sẽ có nhiều khả năng giúp nhân viên gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn. Ngoài ra, các yếu tố thuộc về tính chất đặc thù của công việc như tính ổn định, sự thú vị, khả năng làm việc độc lập, khối lượng công việc cũng như khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhận được ít sự quan tâm hơn từ phía người lao động

Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng vững mạnh

Với xu hướng lấy ứng viên tiềm năng làm trung tâm, các doanh nghiệp đều tập trung tăng cường xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng của mình để tạo ra sức hút và sự tin tưởng từ ứng viên. Để thực hiện được điều này, doanh nghiệp cần nhất quán triển khai một số biện pháp để xây dựng và phát triển thương hiệu nhà tuyển dụng ngày một vững mạnh.

Thứ nhất, tăng cường truyền bá hình ảnh thành công của doanh nghiệp trên các phương tiên truyền thông. Trong hoàn cảnh này, câu “một hình ảnh bằng cả ngàn lời nói” hoàn toàn phù hợp. Đúng vậy, ngôn từ có thể quan trọng, nhưng hình ảnh mới là hình thức có hiệu quả truyền đạt cao nhất. “44% người nói rằng họ nhiều khả năng sẽ tương tác với doanh nghiệp hơn nếu như doanh nghiệp đăng hình ảnh lên bất kì phương tiện truyền thông nào”. Do vậy, doanh nghiệp cần thiết lập một bộ phận nhất định chịu trách nhiệm quản lý và vận hành chức năng này. Bộ phận này có nhiệm vụ tập trung các hình ảnh của doanh nghiệp bao gồm các bức ảnh hoặc video của từng cá nhân nổi trội hoặc từng bộ phận hoặc của doanh nghiệp nói chung trong công việc hoặc các sự kiện. Sau đó tiến hành sàng lọc, sắp xếp theo các nội dung, chủ đề thích hợp rồi đăng trên các kênh truyền thông để giới thiệu ra bên ngoài. Ngoài ra, bộ phận này cũng cần quản lý, kiểm soát các hình ảnh của doanh nghiệp mà được các cá nhân hoặc đơn vị khác sử dụng ví dụ như các bài viết của nhân viên doanh nghiệp tự động truyền ra để tránh gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Thứ hai, xây dựng trang tuyển dụng doanh nghiệp chuyên nghiệp. Theo khảo sát, 80% người lao động tìm kiếm các cơ hội việc làm qua Internet, và phần lớn đều sở hữu ít nhất một tài khoản mạng xã hội cho công việc cũng như các mục đích cá nhân. Cụ thể, 42% đáp viên cho biết họ lựa chọn kênh thông tin Trang web/ trang tuyển dụng của công ty để tìm hiệu và cập nhật thông về nhà tuyển dụng là lựa chọn hàng đầu. Tiếp theo lần lượt là Trang tìm việc làm trực tuyến, Email/ Thư thông báo qua email, Mạng xã hội (Facebook, LinkedIn,…), Các trang web công đồng, diễn đàn và blog,…

Do vậy, nhà tuyển dụng cần nhận rõ sự cần thiết của một trang tuyển dụng chuyên nghiệp của riêng doanh nghiệp. Trang tuyển dụng này ngoài đảm bảo nhiệm vụ là đầu mối tuyển dụng của doanh nghiệp với ứng viên, là nơi cung cấp các thông tin tuyển dụng cũng như giải đáp các thắc mắc về nội dung tuyển dụng thì còn cần đảm bảo là một công cụ quảng bá văn hóa, sứ mệnh và giá trị cá nhân của nhân viên trong công ty. Do vậy, website của doanh nghiệp nên có thêm chuyên mục dành riêng cho nhân viên. Đó có thể là chia sẻ cá nhân của họ về trải nghiệm công việc, hoặc vài bài blog được viết bởi chính những cá nhân thầm lặng đó. Nhờ đó, người ứng viên khi đọc được những trải lòng giàu cảm xúc của nhân viên mà vô tình đã như cảm thấy chính mình là nhân viên rồi. Đây chính là một lợi thế giúp tăng sự gắn kết và tình cảm của ứng viên với doanh nghiệp dù họ chưa trực tiếp liên kết với nhau.

Thứ ba, dựa trên kết quả khảo sát về các yếu tố tạo nên nhà tuyển dụng lý tưởng và công việc lý tưởng mà doanh nghiệp có thể hoàn thiện lại hệ thống chính sách nhân sự, môi trường làm việc, điều kiện làm việc và cả các quyền lợi đặc biệt của doanh nghiệp nhằm tăng sức hấp dẫn của doanh nghiệp trong con mắt của các ứng viên. Ví dụ như dựa trên việc các ứng viên ngày càng quan tâm và đề cao vai trò của đội ngũ lãnh đạo trong việc lựa chọn nhà tuyển dụng lý tưởng, trong chiến lược quản bá thương hiệu nhà tuyển dụng, thì rõ ràng “những doanh nghiệp đề cập đến năng lực và tầm nhìn của cấp quản lý trong việc đồng hành, đào tạo và phát triển nhân viên” sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn khi thu hút ứng viên. Đồng thời, việc tập trung phát triển đôi ngũ lãnh đạo sẽ tạo được sự gắn kết bền vững từ phía nhân viên khi chính các cấp quản lý là nhân tố tạo động lực, tạo sự gắn bó giữa nhân viên với tổ chức và từ đó góp phần đẩy mạnh văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, “thông tin về lương thưởng cạnh tranh” và “cơ hội phát triển nghề nghiệp hấp dẫn” vẫn cần được doanh nghiệp sử dụng để thu hút ứng viên khi 2 yếu tố này liên tục dành được sự quan tâm cao trong 3 năm liên tiếp khảo sát kể từ năm 2016. Mặt khác, bên cạnh việc tạo môi trường làm việc thoải mái, đối xử bình đẳng, quy trình làm việc hiệu quả cũng cso tác động đáng kể đến sự lựa chọn nhà tuyển dụng của người lao động. Đặc biệt, tuyển dụng là hoạt động đầu tiên ứng viên tiếp xúc với việc vận hành của doanh nghiệp, nên quy trình tuyển dụng nhanh chóng, hiệu quả sẽ giúp nhà tuyển dụng “ghi điểm” với ứng viên trong những bước đầu thu hút nguồn nhân lực.

                                                                                                                CÔNG TY TNHH TƯ VẤN VÀ DỊCH VỤ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VIỆT

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Backhaus, K., & Tikoo, S. (2004). Conceptualizing and researching employer branding. Career Development International, 9(5). 501-17.
  2. Katiyar V. & Saini G.K. (2016), Impact of Social Media Activities on Employer Brand Equity and Intention to Apply, NMIMS Management Review, Volume XXVIII January-February 2016.
  3. Kỷ nguyên HR 4.0 – Cơ hội và thách thức cho nhà tuyển dụng,  https://insider.tophr.vn/ki-nguyen-hr-4-0-co-hoi-va-thach-thuc-cho-nha-tuyen-dung/
  4. Báo cáo khảo sát “Nhà tuyển dụng yêu thích 2018”, https://careerbuilder.vn/vi/hiringsite/thi-truong-va-xu-huong/bao-cao-khao-sat
  5. Kết quả khảo sát của LinkedIn 2016, https://www.linkedin.com/pulse/k%E1%BA%BFt-qu%E1%BA%A3-kh%E1%BA%A3o-s%C3%A1t-21062-sinh-vi%C3%AAn-vi%E1%BB%87t-nam-n%C4%83m-2016

    Công ty TNHH Tư vấn và dịch vụ phát triển Nhân Lực Việt

ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ: CÔNG TY TNHH TƯ VẤN VÀ DỊCH VỤ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VIỆT

Địa chỉ: Số 53, Phạm Tuấn Tài, P. Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Website: www.daotaonhanlucviet.com.vn            Hotline: 0941.886.228       Email: tuvannhanlucviet@gmail.com

Bài viết liên quan

MÔ HÌNH QUẢN TRỊ NHÂN SỰ HIỆN ĐẠI CỦA DAVE ULRICH: QUẢN TRỊ NHÂN SỰ_ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC KINH DOANH

MÔ HÌNH QUẢN TRỊ NHÂN SỰ HIỆN ĐẠI CỦA DAVE ULRICH: QUẢN TRỊ NHÂN SỰ_ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC KINH DOANH

Khi nghiên cứu về quản trị nhân lực, thực hiện các hoạt động đào tạo, tư vấn doanh nghiệp về quản...
HAY - Phương pháp đo lường giá trị công việc làm cơ sở xây dựng bảng lương theo vị trí công việc

HAY - Phương pháp đo lường giá trị công việc làm cơ sở xây dựng bảng lương theo vị trí công việc

Phương pháp HAY là gì? HAY Method được phát triển bởi tập đoàn Hay- giờ là Korn...
ỨNG DỤNG GAMIFICATION TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ NHÂN LỰC

ỨNG DỤNG GAMIFICATION TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ NHÂN LỰC

Gamification (Trò chơi hóa) ngày càng được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh...
CÁCH THỨC XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC KẾT HỢP TRÊN NỀN TẢNG BSC & KPI CÓ SẴN TRONG DOANH NGHIỆP

CÁCH THỨC XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC KẾT HỢP TRÊN NỀN TẢNG BSC & KPI CÓ SẴN TRONG DOANH NGHIỆP

Bài viết tổng hợp những góc nhìn của doanh nghiệp muốn xây dựng khung năng lực dựa vào...