Quan hệ tiền lương giữa các loại lao động trong các loại hình doanh nghiệp

Cùng với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, trong thời gian qua Nhà nước đã có nhiều cải cách, đổi mới chính sách quản lý tiền lương cho phù hợp với xu hướng và sự phát triển của nền kinh tế, với những cam kết trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, cơ chế quản lý tiền lương hiện nay chưa đề cập đến quan hệ tiền lương giữa các loại lao động trong doanh nghiệp, quan hệ này sẽ do các doanh nghiệp chủ động xác định. Thực tế đã cho thấy, hiện nay nhiều doanh nghiệp có sự chênh lệch quá lớn về tiền lương giữa các loại lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt là chênh lệch giữa người lãnh đạo cấp cao với người nhân viên làm công việc giản đơn. Trong khi, một số doanh nghiệp lại có mức chênh lệch về tiền lương giữa các loại lao động không nhiều, thậm chí mang tính bình quân. Sự chênh lệch về tiền lương giữa các loại lao động trong doanh nghiệp hiện nay không phải là kết quả tự điều tiết của cơ chế thị trường mà chủ yếu chịu sự chi phối theo ý định chủ quan thiếu căn cứ khoa học của những người lãnh đạo doanh nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu, phân tích thực trạng quan hệ tiền lương giữa các loại lao động trong các loại hình doanh nghiệp, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp xác định quan hệ tiền lương hợp lý, có căn cứ khoa học giữa các loại lao động, góp phần kích thích, tạo động lực lao động, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng lao động.

1. Thực trạng quan hệ tiền lương giữa các loại lao động trong các loại hình doanh nghiệp

Trên cơ sở số liệu điều tra về tiền lương bình quân tháng của các loại lao động (Lao động quản lý, nhân viên chuyên môn, nghiệp vụ; lao động trực tiếp sản xuất và Nhân viên thừa hành, phục vụ), nhóm tác giả tính toán và có kết quả chênh lệch tiền lương bình quân tháng giữa các loại lao động trong các loại hình doanh nghiệp theo bảng sau:

Bảng 1: Chênh lệch tiền lương bình quân tháng trong các loại hình doanh nghiệp theo vị trí làm việc năm 2015

Đơn vị: Lần

Vị trí làm việc

DNNN

DNNNN

DN FDI

1.  Lao động quản lý

4,18

2,90

5,83

2. Nhân viên chuyên môn, nghiệp vụ

1,59

1,55

2,09

3. Lao động trực tiếp sản xuất

1,17

1,17

1,03

4. Nhân viên thừa hành, phục vụ

1,00

1,00

1,00

(Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra của Viện Khoa học Lao động và Xã hội)

            Bảng 1 cho thấy khoảng cách chênh lệch tiền lương bình quân tháng giữa các loại lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) không lớn, thể hiện xu hướng trả lương còn mang tính bình quân khá rõ. Chênh lệch tiền lương giữa lao động quản lý, nhân viên chuyên môn nghiệp vụ với lao động trực tiếp sản xuất và nhân viên thừa hành, phục vụ trong DNNNN thấp. Trong khi, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trả lương có sự phân biệt lớn giữa các loại lao động. Đối với loại lao động đòi hỏi trình độ chuyên môn cao (lao động quản lý và chuyên môn), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước trả lương cao nhằm thu hút và giữ chân lao động giỏi còn đối với lao động không đòi hỏi nhiều kiến thức kỹ năng, thị trường dư thừa như lao động trực tiếp sản xuất và nhân viên thừa hành phục thì trả lương rất thấp. Chính sách tiền lương có sự phân biệt lớn này giúp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu hút được nhiều lao động có trình độ chuyên môn, trình độ quản lý giỏi vào làm việc trong khi các doanh nghiệp ngoài nhà nước với chính sách trả lương bình quân sẽ khó thu hút được lao động giỏi vào làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Để thấy rõ hơn sự phân biệt trong trả lương giữa các loại hình doanh nghiệp và giữa các ngành, nhóm nghiên cứu đã tính toán và phân tích quan hệ tiền lương thấp nhất –cao nhất thực tế đang trả ở các loại hình doanh nghiệp và có kết quả sau:

- Chênh lệch giữa tiền lương bình quân cao nhất của lao động quản lý với tiền lương bình quân thấp nhất của lao động phổ thông ở tất cả các loại hình doanh nghiệp và các ngành đều có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, mức chênh lệch có sự khác nhau giữa các loại hình doanh nghiệp và giữa các ngành. Trong đó, chênh lệch tiền lương cao nhất và thấp nhất trong các doanh nghiệp FDI là rất lớn và có xu hướng ngày càng tăng cao. Hai loại hình doanh nghiệp còn lại là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và DNNNN thì mức chênh lệch này không lớn, đặc biệt là DNNNN trả lương mang tính bình quân, cào bằng (năm 2015, chênh lệch tiền lương bình quân cao nhất của lao động quản lý so với tiền lương bình quân thấp nhất của lao động phổ thông ở các DNNNN chỉ là 4,6 lần trong khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 10,34 lần)

Có sự khác nhau về chênh lệch tiền lương bình quân giữa lao động quản lý với tiền lương thấp nhất của lao động phổ thông giữa các ngành khác nhau. Trong đó, ngành Thương mại – Dịch vụ (TM _DV) có sự chênh lệch tiền lương bình quân cao nhất của lao động quản lý và tiền lương bình quân thấp nhất của lao động phổ thông là lớn nhất, tiếp đến là ngành Công nghiệp – Xây dựng (CN – XD) và thấp nhất là ngành Nông Lâm Nghiệp (NLN).

Bảng 2: Chênh lệch về tiền lương bình quân cao nhất giữa lao động quản lý và tiền lương bình quân thấp nhất của lao động phổ thông trong các loại hình doanh nghiệp và giữa các ngành

Loại lao động

Loại hình doanh nghiệp

Theo ngành

DNNN

DNNNN

DN FDI

NLN

CN – XD

TM - DV

Năm 2014

TL bình quân  cao nhất của LĐQL

5,6

3,93

8,80

4,8

5,6

5,9

TL bình quân thấp nhất của LĐPT

1,0

1,00

1,00

1,0

1,0

1,0

Năm 2015

TL bình quân  cao nhất của LĐQL

6,23

4,6

10,34

5,9

6,1

6,5

TL bình quân thấp nhất của LĐPT

1,0

1,0

1,0

1,0

1,0

1,0

 

(Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra của Viện Khoa học Lao động và Xã hội)

Như vậy, có sự khác biệt lớn về trả lương giữa các loại hình doanh nghiệp và giữa các ngành. Các DNNN và DN FDI tạo ra sự giãn cách rất lớn giữa lao động trình độ cao và lao động làm những công việc đơn giản còn các DNNNN thì trả lương mang tính bình quân cao. Sở dĩ có sự khác biệt lớn như vậy là do các DNNN và DN FDI muốn tạo ra sự chênh lệch về mức lương để ưu tiên và thu hút lao động trình độ cao, lao động quản lý doanh nghiệp. Trong khi, đại bộ phận lao động quản lý của các DNNNN là chủ doanh nghiệp, người trực tiếp bỏ vốn ra đầu tư sản xuất kinh doanh mà mục tiêu của chủ doanh nghiệp là lợi nhuận để lại của doanh nghiệp chứ không phải mức tiền lương, thu nhập hàng tháng mà họ nhận được. Việc xác định quan hệ tiền lương không hợp lý như trên (hoặc là quá cao hoặc là quá thấp) dẫn đến ảnh hưởng đến động lực làm việc, đến năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác, mà còn tạo khoảng cách phân hoá giàu nghèo trong xã hội. Do đó, cần có giải pháp xác định quan hệ tiền lương hợp lý giữa các loại lao động trên cơ sở căn cứu khoa học.

2. Giải pháp xác định quan hệ tiền lương giữa các loại lao động trong doanh nghiệp

Để xác định quan hệ tiền lương hợp lý giữa mức thấp nhất, mức lương trung bình và mức lương cao nhất trong hệ thống tiền lương của doanh nghiệp, nhóm tác giả đề xuất phương pháp xác định quan hệ tiền lương giữa các loại lao động trên cơ sở phân tích mức độ phức tạp lao động. Quan hệ tiền lương này phản ánh được quan hệ tiền lương theo mức độ phức tạp của công việc, phản ánh mức độ chênh lệch về tiền lương giữa những người đảm nhận công việc đơn giản nhất với những người đảm nhận công việc ở mức độ phức tạp trung bình và.những người đảm nhận công việc có mức độ phức tạp cao nhất.

Bản chất của phương pháp này là xác định tương quan mức lương thấp nhất – trung bình – cao nhất dựa trên tương quan về độ phức tạp lao động với hàm ý lao động phức tạp là bội số của lao động giản đơn. Mức độ phức tạp lao động phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật của công việc và điều kiện lao động.

Để đánh giá mức độ phức tạp và điều kiện lao động một cách chính xác, cần lượng hóa được bằng điểm và cụ thể tiến hành như sau:

- Bước 1: Liệt kê hệ thống chức danh công việc trong doanh nghiệp.

 Ở bước này, doanh nghiệp cần liệt kê tất cả các chức danh công việc trong doanh nghiệp (không quan tâm đến số người làm của chức danh công việc đó).

- Bước 2: Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến mức lương từng chức danh công việc.

- Bước 3:  Đánh giá điểm theo từng yếu tố và tính tổng điểm cho từng vị trí chức danh.

Căn cứ vào bản phân tích công việc (bản tiêu chuẩn thực hiện công việc) để xác định yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, tính chất công việc, mức độ phối hợp, điều kiện làm việc của từng vị trí công việc để xác định điểm theo từng tiêu chí và tổng điểm của từng chức danh. Công thức tính tổng điểm của chức danh công việc i: Đi = Σ Đij

Trong đó: Đi là tổng điểm của chức danh công việc i

Đij là điểm của chức danh công việc i theo yếu tố j

- Bước 4: Phân nhóm chức danh và xác định quan hệ tiền lương giữa các nhóm.

Ở bước này, cần phân theo nhóm chức danh có điểm cao nhất; nhóm chức danh có điểm trung bình và nhóm chức danh có điểm thấp nhất. Trên cơ sở đó, xác định quan hệ tiền lương giữa các nhóm tương quan với điểm của các nhóm. Giả sử, Chức danh giám đốc có điểm cao nhất là 900 điểm, nhóm có điểm trung bình là cán bộ chuyên môn trong các phòng ban với 450 điểm và nhóm có điểm thấp nhất là nhân viên tạp vụ (100 điểm) thì quan hệ tiền lương trong doanh nghiệp đó (Thấp nhất – Trung bình – cao nhất) sẽ là: 1,0 – 4,5 – 9,0./

                                                                        TS. VŨ HỒNG PHONG

Bài viết liên quan

HAY - Phương pháp đo lường giá trị công việc làm cơ sở xây dựng bảng lương theo vị trí công việc

HAY - Phương pháp đo lường giá trị công việc làm cơ sở xây dựng bảng lương theo vị trí công việc

Phương pháp HAY là gì? HAY Method được phát triển bởi tập đoàn Hay- giờ là Korn...
ỨNG DỤNG GAMIFICATION TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ NHÂN LỰC

ỨNG DỤNG GAMIFICATION TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ NHÂN LỰC

Gamification (Trò chơi hóa) ngày càng được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh...
CÁCH THỨC XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC KẾT HỢP TRÊN NỀN TẢNG BSC & KPI CÓ SẴN TRONG DOANH NGHIỆP

CÁCH THỨC XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC KẾT HỢP TRÊN NỀN TẢNG BSC & KPI CÓ SẴN TRONG DOANH NGHIỆP

Bài viết tổng hợp những góc nhìn của doanh nghiệp muốn xây dựng khung năng lực dựa vào...
XÂY DỰNG BSC, KPIs VÀ ỨNG DỤNG TRONG TRẢ LƯƠNG 3Ps

XÂY DỰNG BSC, KPIs VÀ ỨNG DỤNG TRONG TRẢ LƯƠNG 3Ps

Để trả lương hiệu quả thì trước hết cần đánh giá được hiệu quả làm việc, đo lường được mức độ...